Chú Giải Tin Mừng Thứ Ba Tuần XXXII Mùa Thường Niên (Lc 17,7-10) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXXII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 17,7-10

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tt2, 1-8.11-14

Các cụ ông… các cụ bà… các chàng trai trẻ…

Mỗi người đón nhận Tin Mừng tuỳ theo địa vị hoàn cảnh và tuổi tác của mình. Không mô phỏng giống nhau được. Mỗi người có một vai trò khác nhau, tuỳ khả năng.

Còn tôi, đặt vào đặt vị của tôi, tôi có nhiệm vụ nào phải chu toàn?

Tiết lộ… đàng hoàng… chừng mực… vững mạnh trong đức tin… đức mến… nhẫn nại… biết dạy bảo đàng lành… chăm lo việc nội trợ….

Các lời khuyên thật “nhân bản”: đó là các nhân đức tự nhiên. Đức tính được khuyến khích trong tất cả các loại là đức “chừng mực”. Dân đảo Crêta đều có máu hung hăng!

Chính anh em trong mọi việc, anh hãy làm gương về mặt đức hạnh… khiến đối phương phải bẽ mặt vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì.

NGÀY NAY, cũng còn như thế, đó là yêu sách hàng đầu mà những người không tín ngưỡng đòi hỏi. Ước gì các Kitô hữu đưa ra bằng chứng điều mình “nói”, trước tiên, là sống đúng các giá trị nhân bản cốt yếu của loài người.

Lạy Chúa, xin tha cho chúng con đã nhiều lần làm méo mó hình ảnh về Chúa.

Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ đem ơn cứu-độ đến cho mọi người. An sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ tội lỗi và những đam mê trần tục.

Cho đến bây giờ người ta cứ tưởng là mình đã học được môn luân lý Hy Lạp sơ cấp: Thánh Phaolô đơn thành tán dương môn học tốt lành… Không rượu chè be bét, yêu thương vợ hay chồng mình, chăm lo nội trợ, nêu gương đức hạnh… nhưng tất cả điều đó là công việc của Thiên Chúa: ân sủng; ân huệ của Thiên Chúa là ở đó, Tựu trung, Thiên Chúa muốn cho ta trở nên người trước tiên. Và Người ban ơn cho ta vì lý do ấy.

Để chúng ta sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

Các việc như thế, thật là giản dị!

Tôi có sống “chừng mực”, “công chính”, “đạo đức” không? tôi gợi lại sự này có ý nghĩa gì cho tôi, như giúp tôi cần có những thái độ cụ thể nào.

Sở dĩ như vậy là chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu-độ chúng ta xuất hiện vinh quang.

Đây là “ý nghĩa” cuộc đời!

Đây là biệt tính của người Kitô hữu: là người như mọi người khác, được mời gọi sống: Các giá trị như các người đương thời, người Kitô hữu biết “mình đi đâu”, biết hướng về đâu, đức hạnh của họ có một ý nghĩa có một cùng đích mà người Kitô hữu biết chứng minh và quay hướng các cố gắng của mình là cuộc gặp Đức Giêsu Kitô!

“Chờ ngày hồng phúc’

“Ngày Đức Giêsu Kitô sẽ tỏ hiện”. Nào tôi có hướng về đó mà đi không?

Bởi vì Người đã tự hiến vì chúng ta, để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.

Các “điều thiện” trong thế gian đều xuất phát từ cuộc hy sinh của Người. Các điều “tốt” thành hình được trong thế gian, cũng bởi cuộc tự hiến của Người vì chúng ta mà có.

Lạy Chúa Giêsu xin tinh luyện chúng con.

Lạy Chúa Giêsu xin làm cho chúng con trở nên “hăng say!”

HÔM NAY, tôi hăng say làm việc lành nào?

Lạy Chúa, xin ban cho con nhiều nhiệt tình, nhiều hăng hái: Xin làm cho con say mê Người!

Bài đọc II: Kn 2, 23.3,9

Tác giả sách viết vào thời quyền lực các Ptôlêmê, cai trị Alexandria, bách hại người Do-thái. Bởi lối sống riêng, không hoà hợp và những từ khước không cộng tác với tôn giáo chính thức, người Do-thái chọc giận các lương dân, những người tìm đè bẹp nhóm đối kháng. Tác giả sách khôn ngoan này tố cáo cho dân ưu tuyển biết ý nghĩa của vụ án mà họ là đối tượng.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian.

Kiểu nói vâng phục, bằng những ý niệm Hy Lạp, thuộc loại trừu tượng, nói cả về một chân lý truyền thống của Kinh Thánh ( Ta hãy nhớ lại tường thuật cụ thể của sách Sáng Thế, cũng nói cùng một việc).

Thiên Chúa đã tạo dựng con người để sống, để “hiện hữu!” để “tồn tại”.

Chính Thiên Chúa “trong Người”, là Đấng hằng sống vĩ đại, Đấng trường tồn. Và con người phần thực tại này của Thiên Chúa, là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Chết không phải bình thường ! Đây là sự kiện có tính cách giai đoạn. Và tác giả dám viết rằng, không phải Thiên Chúa đã tiên liệu và muốn có sự chết.

Để tin vào những lời này, phải nhận rằng “sự sống không bị huỷ diệt nhưng được biến đổi” bởi lúc mà ta gọi là “chết”. Lạy Chúa xin giúp con tin các người đã chết của chúng con đang hiện diện trong một “cuộc sống bất diệt”.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm được gì các Người.

Không nên tìm tưởng tượng ra các sự việc. Nên giản dị chấp nhận như chúng được nói ra.

Đối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.

Những từ được chọn rất tinh ròng chính xác.

Không phải vấn đề về “những người chết” nhưng “về những người sống”: Họ ra đi, từ giã chúng ta.

Nói theo kiểu loài người, đó là bất hạnh, như một sự tiêu diệt, và thật đúng. Dầu vậy, “họ sống trong bình an”, “họ đã thành bất tử”.

Tin Mừng sẽ không tìm được gì đẹp hơn để nói về những điều này. Cần lặp lại. Cầu nguyện với những công thức đáng phục này, đồng thời rất khiêm tốn (rất nhân bản) và rất bình thản.

Sau một giây phút chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao. Vì Chúa đã thử thách các ngài.

Người ta hiểu rằng các vị tử đạo, các người bị bách hại có thể tìm thấy trong niềm xác tín này một cách chết.

Chúa đã chấp nhận cho các ngài như của lễ toàn thiêu.

Vậy người Kitô hữu có thể tin tưởng tiến vào sự chết, và phó mình cho Thiên Chúa. Sự chết trở thành “một cuộc vượt qua đến cùng Chúa”. Khi chết người ta không rơi vào trống rỗng, vào hư không, người ta được chấp nhận…và người ta có thể làm cho cái chết thành một hành vi tự do và tự ý, một lễ dâng, một hy tế, một sự tận hiến cho Thiên Chúa.

Nếu chúng ta thực sự tin vào Lời Chúa, chúng ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Tất cả không phải là hết khi chết. Tất cả bắt đầu. Tất cả tiếp tục.

Thực sự, trong cả đời sống chúng ta, cần sống trong tình người lễ dâng và tự hiến cho Thiên Chúa. Khi đó, sự chết là sự thánh hiến cuộc sống.

BÀI TIN MỪNG: Lc 17, 7-10

Đức Giêsu nói: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho tôi ăn, thắt lưng hầu bàn cho tôi ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!”.

Trước tiên ta đừng bực tội vì tình trạng trên.

Hầu như đó là điều không thể tin được!

Nhưng vào thời Đức Giêsu, thái độ yêu sách và khắc nghiệt trên được coi như khá phổ thông..bởi vì không ai trong các thính giả của Đức Giêsu có vẻ phản đối điều đó : “ Ai trong anh em ….”.

Chúng ta cũng đừng ra vẻ Pharisêu : Thời đại ta, lại không có những tình trạng tương tự sao! Và tôi, cho dù đã giữ đúng mọi tương xứng, đối với người khác, tôi không có những yêu sách theo kiểu đó sao?

Đức Giêsu không biện minh cho tình trạng trên. Có một số đoạn Tin Mừng minh chứng Người tán đồng tinh thần phục vụ. Nhưng Người sử dụng kiểu so sánh trên để trao ban một ý tưởng quan trọng.

Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm những điều ông truyền dạy?

Vâng lạy Chúa, thông thường là thế.

Nhưng từ ý tưởng nghịch thường trên, Chúa có ý muốn nói với chúng con một tư tưởng vô cùng cốt yếu.

Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy cho mình…

Phải đó là điều Chúa muốn nhắm tới.

Trong trình thuật trên, không nhằm rút ra bài học về mối quan hệ xã hội, nhưng nhằm bài học về mối tương quan với Thiên Chúa.

“ Làm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy”. Đức Giêsu luôn sống theo tư tưởng này. Người luôn quy chiếu vào Thiên Chúa. Hình ảnh được nêu lên cho ta ở đây, hướng chúng ta tới một Thiên Chúa “ Ông chủ’: đó là một hình ảnh rất nghiêm khắc mà có lẽ vô ích khi đem đối chiếu với nhiều hình ảnh khác, được Đức Giêsu dùng để nói với ta về Thiên Chúa như “Người Cha”, yêu thương và phục vụ đối với các tôi tớ: “Ông chủ sẽ làm gì? Thầy bảo thật anh em : chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến tận bên mà tiếp đãi” ( Lc 12, 37).

Nhưng ở đây, Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều khác. Cần phải chấp nhận những trái nghịch bề ngoài. Lạy Chúa, con chấp nhận đặt mình trước mặt Chúa như một “tôi tớ” hoàn toàn bé nhỏ, chăm chú thực thi cách trung thành ý của chủ mình. Noi theo Mẹ Maria và nhiều vị thánh, hãy trở nên tôi tớ nam nữ của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần được phụng sự trước hết! Thiên Chúa phải được vâng phục đầu tiên!

Anh em hãy nói rằng: chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.

Sau hết, đó là bài học chủ chốt : con người quyền có quyền yêu sách trước Thiên Chúa.

Ta biết rằng những người Pharisêu khi hoàn tất một số việc tốt lành, thì thường nghĩ rằng mình có quyền đòi hỏi Thiên Chúa phải xét đến công trạng của họ! cho đi, cho lại ! thư gửi tín hữu Rôma của Thánh Phaolô đã dành một phần luận cứ để tiêu diệt tính ngạo mạn đó.

Đó là điều Đức Giêsu đã đề cập đến không cần luận chứng thần học lớn lao: anh em đừng tôn dương những công việc của mình trước mặt Thiên Chúa khi anh em làm xong những điều Thiên Chúa đã truyền dạy, hãy nói rằng, anh em đã làm điều anh em phải làm!

Thánh Têrêsa thành Lidiơ đã hiểu rõ bài học chủ yếu này, khi ngài nói ngài sẽ tiến tới trước mặt Thiên Chúa với “đôi bàn tay rỗng không”. Không khi nào người ta đã hoàn tất “công việc” của mình. Người ta không bao giờ làm đủ. Hãy hành động trước Thiên Chúa, cách nhưng không, không mong chờ phần thưởng.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn sống vô vị lợi, để phục vụ Chúa.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Phục vụ cách khiêm nhường.

HOÀN CẢNH:

Tiếp tục chương 17, thánh Luca ghi lại những lời Đức Giêsu giáo huấn các môn đệ về tinh thần phục vụ cách khiêm nhường.

Ý CHÍNH:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dựa vào dụ ngôn người đầy tớ của ông chủ để dạy các môn đệ một bài học về khiêm nhường khi phục vụ.

TÌM HIỂU:

7-9 ”Ai trong anh em có người đầy tớ …”

Để cảnh giác các môn đệ không được ỷ lại vào sức mạnh của đức tin (17,5-6) mà tự mãn và vênh vang trước mặt Thiên Chúa và người ta, Đức Giêsu đã dựa vào phong tục Đông Phương về bổn phận của người đầy tớ đối với ông chủ để dạy các ông bài học khiêm nhường: đã đem thân đi làm đầy tớ trong nhà ông chủ dầu suốt ngày làm việc ngoài đồng hay đi chăn chiên tối về vẫn phải thắt lưng dọn cơm hầu hạ chủ và thu xếp việc nhà. Tuy nhiên không phải vì thế mà đầy tớ được kể công với ông chủ. Vì đó chỉ là việc bổn phận của một người tôi tớ mà thôi.

10 ”Đối với anh em cũng vậy…”:

Các môn đệ và hết thảy những ai làm việc cho Chúa đều phải nhớ luôn bài học: ”chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận mà thôi”.

Điều này đòi hỏi chúng ta khi làm việc cho Chúa, thì luôn phải đề cao tinh thần vô vị lợi và vị tha, chứ không được ỷ lại vào công việc của mình để tự mãn và đòi hỏi Chúa cũng như đòi hỏi bất cứ ai!

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài học dụ ngôn hôm nay:

- Đối lập lòng tin cậy thuần túy và đơn sơ của những người nghèo khó bé nhỏ với sự tính toán công lao và bảo đảm của người biệt phái và các người giàu có.

- Đối lập với thái độ tín nhiệm vô điều kiện vào Thiên Chúa với tâm trạng so bì của những người lấy những việc đạo đức làm món hàng để mặc cả phần thưởng với Thiên Chúa (Mt 20,13).

2. Qua bài Tin Mừng này, Chúa khuyên bảo chúng ta hãy ở khiêm nhường, đừng có tưởng Thiên Chúa mắc nợ gì mình, khi mình đã chu toàn nhiệm vụ được trao phó. Vì thực ra chúng ta chỉ làm phận sự của kẻ đã được tạo dựng để làm việc đó. Tương quan giữa ta và Thiên Chúa, không phải là tương quan giữa tôi tớ và chủ nhà. Thiên Chúa không cần ta, vì ta không ích lợi gì cho Thiên Chúa, trái lại chúng ta cần và phục vụ Người, vì đó là vinh dự và hạnh phúc của ta.

3. Thiên Chúa đã vì lòng thương xót mà dựng nên ta: Chúa Kitô cũng vì lòng thương cứu chuộc ta và cho ta được dự phần vào sự sống của người và công trình cứu chuộc của Người. Công việc đó vượt mọi khả năng tự nhiên của ta. Vì thế từ tư tưởng cho đến hành động, ta phải nhờ vào ơn Chúa”khởi xướng, kèm theo và hoàn tất”(Pl 2,13).

4. “Chúng tôi là những người đầy tớ vô dụng”: tinh thần này đã được thể hiện nơi Phaolô:”Rao giảng Tin Mừng đối với tôi không phải là một vinh dự mà là một nhiệm vụ bó buộc, và khó cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(1Cr 9,16). Đó là tinh thần của người làm việc tông đồ, và đó cũng là tinh thần của những người làm mọi việc vì danh Thiên Chúa.

5. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay thì người tông đồ cần phải có : tâm hồn khiêm nhường và khó nghèo, đồng thời phải có tinh thần vị tha và vô vị lợi, vì đã lãnh nhưng không thì phải cho nhưng không.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.